Tình cờ tôi đọc được một bài tùy bút viết về những làng hoa ở vùng hạ lưu sông Hương, nơi có những bãi đất ven sông vừa được bồi đắp những lớp phù sa từ thượng nguồn đổ về trong những cơn lũ cuối mùa. Trên mặt đất vừa được bao phủ bởi lớp phù sa tinh khôi ấy, những người nông dân bắt đầu ươm những mầm hoa lan, hoa huệ, hoa thược dược, hoa vạn thọ… bắt đầu cho vụ hoa Tết. Non ba tháng sau, đôi bờ sông Hương như được thay áo mới bởi những đóa hoa “muôn hồng, nghìn tía” đang khoe sắc trong cái nắng hanh hao của những ngày cuối đông. Sức hấp dẫn của bài tùy bút, khiến tôi phải xách máy ảnh tìm về những làng trồng hoa ở vùng Tiên Nộn – Bao Vinh.

Nhưng trong chuyến đi này tôi lại bắt gặp một làng hoa khác – làng làm hoa giấy Thanh Tiên ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây, hoa không nở trên những cánh đồng trĩu nặng phù sa mà nở từ những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những người nông dân hiền lành như đất. Nơi đây, từ già đến trẻ, ai cũng có thể trở thành những nghệ nhân, nhưng mỗi năm họ chỉ làm nghệ nhân chỉ trong một tháng – tháng Chạp – mà thôi, nhưng những bông hoa do họ làm ra thì lại tươi rói suốt năm, trải đủ bốn mùa xuân hạ thu đông.

Trẻ em làng Thanh Tiên cũng là những nghệ nhân làm hoa giấy. Ảnh: Đào Hoa Nữ

Làng Thanh Tiên được khai canh bởi ngài Võ Đình Tiên, người gốc Sơn Tây, vì theo phò chúa Nguyễn nên đã di cư vào đất Thuận Hóa từ thế kỷ XV. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy của dân làng Thanh Tiên đã thành hình từ thế kỷ XVIII. Các bậc cao niên trong làng kể cho tôi nghe một truyền thuyết về sự ra đời của nghề làm hoa giấy nơi đây. Chuyện rằng, khi kiệu hoa của Chiêm vương Chế Mân rước công chúa Huyền Trân từ Thăng Long về làm dâu Chiêm quốc, đi ngang xứ Thuận Hóa trong một ngày cuối đông ảm đạm. Giữa hoang sơ lau lách của miền biên viễn, nàng đã kết những bông hoa bằng giấy ngũ sắc để đón xuân về trong nỗi hoài niệm cố hương. Dân làng Thanh Tiên noi theo tích ấy, hàng năm kết giấy thành hoa, trang trí nhà cửa để đón Tết, lâu dần thành nghề làm hoa xuân.

Thực ra, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân xứ Huế. Khi những lưu dân đất Bắc đặt chân lên vùng đất Thuận Hóa, họ phải đối diện với nhiều hiểm nguy, bất trắc từ những thế lực siêu nhiên và hữu hình. Từ đó, mà hình thành nhu cầu thờ cúng các vị thần linh nơi đất mới để “cầu lành, tránh dữ”, với hệ thống thần linh và đền miếu nhiều vào bậc nhất Việt Nam.

Do xứ Huế là nơi có khí hậu khắc nghiệt, thời tiết bất thường, nên hoa tươi để dâng cúng nơi các đền miếu không phải lúc nào cũng có sẵn, nhất là những năm mưa lụt triền miên, hoa không nở kịp. Từ đó, dân làng Thanh Tiên đã nghĩ ra cách làm hoa giấy, trước là để dâng cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang hoàng nhà cửa trong ba ngày Tết. Lâu dần, nghề làm hoa phát triển và Thanh Tiên trở thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng đất kinh kỳ. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc ở màu nơi thôn dã đã không còn là “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê của xứ Huế vào mỗi dịp xuân về, Tết đến.

Người làng Thanh Tiên chỉ làm hoa giấy vào tháng Chạp, lúc nông nhàn, nhưng nguyên liệu cho việc làm hoa phải được chuẩn bị từ đầu thu. Phải chuẩn bị tre để làm cành hoa, giấy để làm cánh hoa và phẩm màu để tô điểm cho những bông hoa. Đó không phải là công việc ngày một, ngày hai mà phải lo liệu từ trước. Ngày trước, người Thanh Tiên tạo màu cho hoa bằng những màu sắc chiết xuất từ những loại thảo mộc có sẵn nơi quê mình, và đó là bí quyết truyền gia. Bây giờ, họ dùng giấy thủ công để làm nên những bông hoa đủ màu, đủ sắc. Đồng đất làng bên trồng loại hoa gì, thì đôi tay khép léo của người dân Thanh Tiên đều có thể làm nên những bông hoa tương tự. Trước ngày ông Táo về trời, những phụ nữ, trẻ em của làng Thanh Tiên lại mang hoa giấy vượt khỏi lũy tre làng để đi làm đẹp cho Huế đô. Ai đã từng đứng ở bến đò Bao Vinh trong những buổi sớm tháng Chạp hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh những chuyến đò ngang lộng lẫy nối đôi bờ sông Hương, như đang chở mùa xuân từ làng Thanh Tiên về với phố thị.

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ người làng Thanh Tiên làm hoa quanh năm. Ngoài những cành hoa hội đủ các loài: lan, huệ, hồng, cúc, dã quỳ, tường vi…, vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm trong dịp Tết, nay người Thanh Tiên còn làm thêm đóa sen để trang trí trong những biệt thự, khách sạn sang trọng ở Huế và để xuất khẩu.

Từ lâu, người làng Thanh Tiên đã làm hoa sen giấy để chưng trên bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên. Hoa sen giấy của làng Thanh Tiên từng được triều đình nhà Nguyễn biết tiếng, vì thế, hàng năm vào dịp lễ tế Nam Giao, triều đình đều đặt dân làng Thanh Tiên làm hàng ngàn bông sen màu trắng và màu hồng để trang hoàng trên đàn tế trong những ngày đại lễ. Nhưng rồi không rõ vì nguyên do gì mà kỹ thuật làm hoa sen giấy của làng lại bị thất truyền trong suốt 50 năm.

Họa sĩ Thân Văn Huy và những đứa con tinh thần của mình. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

May thay, một người con của làng là họa sĩ Thân Văn Huy đã cố công tìm hiểu, nghiên cứu và đã phục hồi được bí quyết làm hoa sen giấy của làng. Cùng với người em trai là nhà giáo Thân Đình Hoài, họa sĩ Thân Văn Huy tìm gặp những nghệ nhân cao niên của làng để tìm hiểu bí quyết làm hoa sen thuở trước. Từ những mảnh vụn trong ký ức của các bậc tiền bối, hai anh em Thân Văn Huy vừa phục cổ, vừa cách tân và đã làm sống lại nghề làm hoa sen giấy của người xưa. Những bông sen do Thân Văn Huy và Thân Đình Hoài làm ra đã được trưng bày, sắp đặt trong các cuộc triển lãm tại các kỳ Festival Huế từ năm 2010 đến nay. Bản thân họa sĩ Thân Văn Huy được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là kỷ lục gia phục hồi thành công hoa sen giấy.

Nhưng Thân Văn Huy không giữ hồn sen giấy cho riêng mình. Ông trao truyền kỹ thuật làm hoa sen cho những nghệ nhân láng giềng và mở lớp dạy cách làm hoa sen cho giới trẻ trong làng, cùng với họ làm nên những đóa sen đẹp nhất và đưa những đóa sen ấy vượt khỏi đồng đất của làng quê đến những chân trời mới.

Tác giả: Trần Đức Anh Sơn

Liên hệ với chúng tôi qua Facebook tại đây

Hoa của Làng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *